Ngày 21-2, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:
- Kế hoạch sẽ được thực hiện làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2022-2025, sẽ thực hiện 5 nội dung chính gồm: Tổng kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch; đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các trường học vùng đồng bào DTTS; tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống; xây dựng các hành trình kết nối di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch. Giai đoạn 2026-2030, về cơ bản sẽ tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy giá trị các mô hình, nội dung công việc về dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào DTTS đã triển khai ở giai đoạn 1. Ngoài ra, sẽ thực hiện việc rà soát, lập hồ sơ phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá công tác triển khai thực hiện đề án.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về một số nội dung công việc trọng tâm được đưa ra trong kế hoạch?
- Ngoài những hoạt động mang tính chất thống kê, nghiên cứu, xây dựng các loại hình ấn phẩm để tuyên truyền, phổ biến…, kế hoạch của UBND tỉnh còn nêu rõ việc xây dựng các mô hình cụ thể ở những địa phương để các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc thực sự phát huy giá trị trong đời sống người dân và phục vụ du lịch. Các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa phải tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, phổ biến giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS trong cộng đồng, gia đình, trường học. Cùng với đó, các địa phương phải xây dựng được một mô hình câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn bản, chi hội sinh hoạt văn hóa dân gian, bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc; lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu trong các dịp Tết, lễ hội truyền thống để tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện nội dung đưa một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc vào các trường dân tộc nội trú và trường học các cấp vùng đồng bào DTTS. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng nội dung bài giảng giới thiệu về nguồn gốc giá trị và vai trò của một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc; tăng cường việc thực hành, tập diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, hoạt động ngoại khóa để học sinh hiểu và yêu thích dân ca, dân vũ, dân nhạc. Sở Du lịch thực hiện việc kết nối các tour, tuyến du lịch ở những khu vực có tiềm năng hình thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng để đưa du khách tới tham quan, trải nghiệm các giá trị, nét đẹp của những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc.
- Theo ông, việc triển khai thực hiện kế hoạch này có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn hóa cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh?
- Kế hoạch này của UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa nội dung đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Thông qua đó, góp phần giữ gìn, trao truyền và phổ biến những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS. Đây cũng là những nội dung nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; từng bước bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng có đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Chính vì thế, trong quá trình triển khai kế hoạch cần đảm bảo các nội dung công việc đề ra được thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
Giang Đình (Thực hiện)