Từng giọt mồ hôi lăn dài trên má, những quang gánh nặng trĩu đổ bóng nghiêng dài trong vạt nắng cuối ngày… Trong sự nhọc nhằn, ánh sáng của nụ cười, ánh mắt lấp lánh niềm vui… Qua góc nhìn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, đó không chỉ là sự lam lũ, vất vả mà còn là tình yêu, là lẽ sống, khát vọng... chạm đến trái tim người xem.
Một buổi chiều thong dong trên con đường tại khu vực Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa, trong cảnh sắc hoàng hôn dần buông, sự hối hả của diêm dân xa xa với những gánh muối nặng trĩu trên vai giữa cánh đồng muối bạt ngàn bất chợt gợi lên niềm xúc cảm. Tác phẩm “Những chiếc bóng” tình cờ ra đời như thế. Khoảnh khắc mưu sinh đầy ấn tượng qua ống kính của nghệ sĩ Hoài Văn được khắc họa một cách sinh động, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về nghề làm muối truyền thống của cư dân ven biển nước ta từ xa xưa.
Hay hình ảnh những người thợ tất bật trong “Những gam màu công nghiệp”, miệt mài chắt chiu từng giọt đường trong “Mật ngọt cho đời”, chị lao công cần mẫn “Dưới cơn mưa”… góp phần truyền cảm hứng, tô điểm thêm hương sắc cho cuộc sống.
Trong hành trình nhiếp ảnh, cái khó nhất là bắt kịp khoảnh khắc của cuộc sống để chắt lọc, đưa vào ống kính. “Nhiều khi đó là sự may mắn cho ta cơ hội gặp được khoảnh khắc quý giá, chỉ một giây thôi cũng đủ để tạo nên một tác phẩm đẹp và độc. Khoảnh khắc đó lắm khi chỉ tình cờ lướt qua rồi không bao giờ trở lại…” - nghệ sĩ Hoài Văn bày tỏ.
Với tác giả Tuấn Ngọc, biển trời bao la, những món quà cuộc sống từ biển, đời sống lao động bình dị của ngư dân, những làng nghề muôn vẻ... luôn là nguồn cảm hứng vô tận. Anh chia sẻ: “Phong cảnh dễ chụp nhưng khó đẹp, đòi hỏi người cầm máy phải có sự cảm nhận một cách tinh tế, cảm được chiều sâu của cảnh. Phải làm sao cho phong cảnh cũng “có hồn”!”. Tác phẩm “Vũ điệu giặt lưới” lả lướt mang đến cho người xem cảm giác đầy phấn khích, thú vị. Những bình dị cuộc sống qua góc nhìn của anh trở nên rất đời và đầy nghệ thuật…
Đặc biệt, đằng sau những tấm ảnh ấy dường như còn có rất nhiều suy tư mà người cầm máy gửi gắm. Như chuyện người mẹ những năm tháng cuối đời vẫn luôn đau đáu về bản làng quê hương trong “Móm mém miệng trầu” của nghệ sĩ Hà Bình. Thất lạc gia đình từ lúc 16 tuổi, cả cuộc đời bà luôn khắc khoải, mong ngóng ngày trở về bên ngôi nhà trong ký ức xa xôi… Dù những vết hằn thời gian đã chằng chịt theo năm tháng nhưng ánh mắt ấy vẫn ánh lên niềm hy vọng, niềm tin về ngày đó sẽ đến…“Trước cuộc sống đa dạng, muôn màu, để chạm được cái đẹp đòi hỏi người cầm máy phải có sự đồng điệu và cái nhìn đầy sáng tạo. Với cùng một khung cảnh, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau. Chính điều đó làm nên nét riêng của mỗi tay máy” - nghệ sĩ Hà Bình chia sẻ. Từng mảnh ghép của cuộc sống ấy đã tạo nên những góc nhìn sinh động, độc đáo và đầy xúc cảm.
Thảo Dương