Sớm xây dựng mô hình thư viện số

Thứ sáu - 27/08/2021 13:05
Thư viện số, thư viện thông minh đang là xu hướng được nhiều tỉnh trong khu vực và trên toàn quốc áp dụng. Tuy nhiên, hoạt động của Thư viện tỉnh vẫn thuần túy theo cách truyền thống. Điều này đã phần nào làm hạn chế việc truyền bá tri thức, giá trị văn hóa đến người dân. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Sớm xây dựng mô hình thư viện số

Thư viện số, thư viện thông minh đang là xu hướng được nhiều tỉnh trong khu vực và trên toàn quốc áp dụng. Tuy nhiên, hoạt động của Thư viện tỉnh vẫn thuần túy theo cách truyền thống. Điều này đã phần nào làm hạn chế việc truyền bá tri thức, giá trị văn hóa đến người dân.


Vẫn theo cách thức truyền thống


Theo số liệu của Thư viện tỉnh, đơn vị đang quản lý, lưu giữ 370.000 bản sách, cùng với 190.000 bản sách ở thư viện công cộng các huyện; hơn 2.000 luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ, đĩa CD, VCD, băng từ. Hàng năm, Thư viện tỉnh bổ sung hơn 7.000 bản sách, cấp hơn 2.000 thẻ bạn đọc, phục vụ hơn 110.000 lượt bạn đọc tại chỗ; thực hiện luân chuyển sách đến 65 điểm tại cơ sở với hơn 35.000 bản sách/năm. Số lượng tài liệu nêu trên được đánh giá thuộc diện lớn nhất trong các thư viện cấp tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

 

Thiếu nhi đọc sách ở Thư viện tỉnh.  Ảnh chụp trước tháng 5-2021

Thiếu nhi đọc sách ở Thư viện tỉnh. Ảnh chụp trước tháng 5-2021


Tuy nhiên, nguồn tài liệu lớn đó đang trở nên lãng phí ở thời điểm hiện tại và cả tương lai nếu không có sự đầu tư. Bởi hoạt động của Thư viện tỉnh hiện vẫn theo cách thức truyền thống. Việc cung cấp, mượn - trả sách báo, tài liệu vẫn theo cách trực tiếp giữa nhân viên thư viện với bạn đọc; công tác lưu trữ chủ yếu xếp kệ lưu kho… Đơn vị mới chỉ số hóa được 4.700 tài liệu, chủ yếu về địa chí Khánh Hòa. Các tài liệu dưới dạng sách điện tử (ebook), sách nói (audio book), video, âm thanh, hình ảnh, bản đồ số… đến giờ vẫn chưa có.


Dịch vụ chính của Thư viện tỉnh lâu nay chỉ mới dừng lại ở các hoạt động như: Phục vụ bạn đọc tại chỗ; phục vụ theo yêu cầu, với số lượng bạn đọc đến thư viện mỗi ngày khoảng 300 lượt (hàng năm hơn 110.000 lượt bạn đọc); phục vụ lưu động, luân chuyển sách về cơ sở; cấp, phát thẻ bạn đọc… Theo ông Nguyễn Châu Hùng - Giám đốc Thư viện tỉnh, hoạt động của đơn vị để đáp ứng tiêu chuẩn của một thư viện hiện đại vẫn chưa thể thực hiện được. Đơn vị thiếu các loại trang thiết bị hiện đại, thông minh theo đúng xu thế hiện nay; phần mềm đang sử dụng gồm phần mềm quản lý thư viện Zlis 7.0 và trang thông tin điện tử thuvienkhanhhoa.gov.vn được nâng cấp từ năm 2019 chưa đáp ứng tốt việc khai thác, quản lý dữ liệu số và chia sẻ tài nguyên thông tin. Ngoài ra, đơn vị chưa có hệ thống xuất bản số cũng như quản lý bản quyền tác giả, chưa có app di động trên 2 nền tảng di động phổ biến là iOS và Android để phục vụ bạn đọc tra cứu và đọc các tài liệu số offline.


Mong sớm được đầu tư


Năm 2008, Thư viện tỉnh được đầu tư thực hiện dự án Tin học hóa một số hoạt động của thư viện. Qua đó, đơn vị đã được trang bị cổng từ an ninh, máy quét mã barcode, phần mềm nghiệp vụ quản lý thư viện, trang thông tin điện tử, hệ thống máy chủ và các máy trạm. Nhưng đến nay, một số máy chủ, máy trạm và các thiết bị phục vụ công tác thư viện đã hư hỏng, không còn sử dụng được. Năm 2017, Thư viện tỉnh được tiếp nhận dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam do Quỹ Bill&Melinda Gates tài trợ với 50 bộ máy tính có kết nối mạng Internet để phục vụ bạn đọc tại chỗ. Sau thời gian sử dụng, đến nay 50% số máy tính trên cũ kỹ, hỏng hóc. Tháng 12-2019, Thư viện tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán cho phép đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý thư viện và mua sắm thiết bị tin học nên được trang bị 1 máy chủ, 15 bộ máy trạm và nâng cấp phần mềm quản lý thư viện, trang thông tin điện tử trên nền tảng đang sử dụng, nhờ đó đáp ứng một phần trong công tác quản lý, nhập liệu, xử lý tài liệu, quản lý bạn đọc, cung cấp thông tin cơ bản đến người dùng. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa có hệ thống số hóa tài liệu để cung cấp dưới dạng tài nguyên số cho độc giả.


Theo ông Trần Gia Văn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cơ sở vật chất, kỹ thuật của Thư viện tỉnh đang xuống cấp, lạc hậu về công nghệ. Chính vì thế, việc đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện số, thư viện tự động hóa theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh là cần thiết. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng xong báo cáo đề xuất chủ trương dự án Đầu tư và phát triển Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện số và thư viện tự động hóa. Hy vọng rằng, đề án sẽ sớm được thông qua để có thể xây dựng Thư viện tỉnh trở thành một thư viện hiện đại, được trang bị hệ thống thư viện số và kết nối liên thông với hệ thống thư viện tự động hóa, nguồn cơ sở dữ liệu đa dạng, phong phú nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu người sử dụng.


Giang Đình

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp