Liên kết vùng bắc Khánh Hòa - nam Phú Yên: Hạ tầng giao thông sẽ là đòn bẩy

Thứ tư - 08/09/2021 10:59
Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là đòn bẩy, tạo động lực phát triển liên kết 2 vùng kinh tế bắc Khánh Hòa và nam Phú Yên trong thời gian tới. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Liên kết vùng bắc Khánh Hòa - nam Phú Yên: Hạ tầng giao thông sẽ là đòn bẩy

Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là đòn bẩy, tạo động lực phát triển liên kết 2 vùng kinh tế bắc Khánh Hòa và nam Phú Yên trong thời gian tới.


Ưu tiên hàng đầu


Những năm qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên kết khu vực bắc Khánh Hòa - nam Phú Yên cần vốn rất lớn, tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đa số các địa phương trong khu vực của 2 vùng chưa có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển. Điểm nhấn lớn nhất là dự án hầm đường bộ đèo Cả được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016 đã tạo sức bật liên kết cho 2 vùng kinh tế. Tuy nhiên, thời gian tới, vẫn cần những dự án tạo động lực mạnh mẽ hơn để liên kết cùng phát triển.  

 

Hầm đường bộ đèo Cả kết nối giao thông  Khánh Hòa - Phú Yên.

Hầm đường bộ đèo Cả kết nối giao thông Khánh Hòa - Phú Yên.


Ông Nguyễn Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc liên kết giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên có vai trò hết sức quan trọng nhằm phấn đấu trở thành vùng kinh tế tổng hợp, động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực. Vì vậy, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu với mục tiêu xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của 2 khu kinh tế nam Phú Yên - Vân Phong, đặc biệt là kết nối tuyến đường từ Khu Kinh tế Vân Phong tới sân bay Tuy Hòa, tạo động lực phát triển từ nam Phú Yên về Vân Phong.


Đầu tư theo lộ trình


Theo Bộ GTVT, để đáp ứng được mục tiêu liên kết và phát triển giữa 2 vùng kinh tế cần phải đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, nhưng phải theo lộ trình bởi vốn đầu tư lớn. Về giao thông đường hàng không, hiện nay, hạ tầng cảng hàng không Tuy Hòa đã được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch phê duyệt, đáp ứng công suất khai thác khoảng 55.000 khách/năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không. Dự báo giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu vận tải hành khách thông qua cảng này khoảng 3 triệu hành khách/năm. Vì vậy, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đang triển khai dự án đầu tư mở rộng sân đỗ tàu bay và đã có kế hoạch xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu hành khách/năm. Bộ GTVT đã thống nhất với UBND tỉnh Phú Yên sẽ tài trợ Quy hoạch cảng hàng không Tuy Hòa làm cơ sở để đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch.


Đối với giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án đầu tư, phân chia dự án thành phần các đoạn thuộc cao tốc kết nối cảng hàng không Tuy Hòa với khu vực bắc Vân Phong. Theo đó, đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có 2 dự án thành phần bao gồm: đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (51km) và đoạn Vân Phong - Nha Trang (83km). Bộ GTVT đã hoàn thiện công tác thẩm định nội bộ trình Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thẩm định, làm cơ sở trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai theo quy định.


Cùng với đó, Bộ GTVT đang tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch này cũng được định hướng phát triển, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông giữa tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Đến nay, tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đã bao gồm 220km từ Phú Yên đi Đắk Lắk và 105km từ Buôn Ma Thuột đến Vân Phong) đã được cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ.

 

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 13-6 về việc trình thẩm định Đề án cơ chế chính sách liên kết vùng bắc Khánh Hòa - nam Phú Yên, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư tuyến đường trục chính của khu tổng hợp Đầm Môn, hình thành trục giao thông khu vực, tạo tiền đề xây dựng các nhánh của mạng lưới giao thông, nâng cao sức hấp dẫn để mời gọi các dự án tại khu phi thuế quan và khu vực lân cận; hỗ trợ đầu tư dự án đường ven biển Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) đến thị xã Ninh Hòa nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển theo Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.


MẠNH HÙNG

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp