Du học sinh Israel lên rừng trồng nho, nuôi cừu, làm du lịch bền vững

Thứ tư - 13/10/2021 07:10
Tốt nghiệp trường đại học hàng đầu, đi tu nghiệp ở Israel, Nguyễn Tạ Đông đến Ninh Hòa (Khánh Hòa) trồng cây, nuôi cừu và giúp đỡ thanh niên bản địa không phải bỏ quê lên phố.
Du học sinh Israel lên rừng trồng nho, nuôi cừu, làm du lịch bền vững
Trang trai sach cua thanh nien 9X anh 1

Một ngày làm việc của Tạ Đông bắt đầu từ 5h30. Trong lớp sương mù dày đặc dưới chân núi Phượng Hoàng, Đông lọ mọ ra chuồng cừu kiểm tra 2 con non vừa sinh tối qua, rồi ghé vườn nho để bật hệ thống bơm nhỏ giọt giúp cây giữ nước tốt hơn cho lứa quả đầu tiên.

Ngày nào không phải đi kiểm tra từng gốc bưởi, cây xoài hay chăm từng con cừu non, Đông cùng mọi người lên rừng hái lá về sản xuất thuốc xông giải cảm.

Đều đặn hàng tuần, Đông cùng mọi người ngồi lại với nhóm thanh niên bản địa bàn cách trồng thêm cây ăn quả, chỉ các kỹ thuật cho họ để cây phát triển tươi tốt trên vùng đất Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa.

Hơn 3 năm về với vùng đất cằn dưới chân núi Phượng Hoàng, chàng trai 31 tuổi đã quen với tiết trời hanh khô, nắng bỏng da quanh năm. Anh nói chưa dám tự hào là thành công nhưng được bạn bè, bà con nông dân quanh vùng tin tưởng khiến mình rất vui.

Bỏ phố về quê làm nông nghiệp kiểu Israel

Đầu năm 2018, Nguyễn Tạ Đông hoàn thành khóa tu nghiệp của mình ở Israel, mang theo hoài bão về nước làm nông nghiệp.

“Mình chọn khu vực dưới chân đèo Phượng Hoàng vì nơi này đất đai cằn cỗi, ngoài trồng mía ra người nông dân gần như bỏ hoang vì không cây gì sống được. Nơi đây gần đúng với khí hậu, thổ nhưỡng bên Israel”, Tạ Đông chia sẻ.

Trang trai sach cua thanh nien 9X anh 2

"Đại bản doanh" của nhóm thanh niên giờ phủ một lớp màu xanh ngắt. Ảnh: An Bình.

Đông khá may mắn khi anh hỏi mua đất người dân đều “nhiệt tình” bán lại. Theo họ, đất này ngoài cây mía ra thì chả cây, con gì sống nổi, năng suất cây trồng rất thấp.

“Mình là con nhà nông chính gốc nên có máu trồng cây, nuôi con. Sau nhiều năm học đại học và nhất là quá trình tu nghiệp ở Israel, mình đã học được vô số kỹ thuật để cây, con phát triển dù khí hậu, đất đai có khô cằn đến mấy”, anh tâm sự.

Chân đèo Phượng Hoàng là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa, nơi có khí hậu khô cằn quanh năm, mùa hạn kéo dài đến tận 10 tháng.

Một năm đầu lập trang trại, Đông cùng đồng nghiệp chỉ đi trồng đậu và phát cỏ. Ngoài trồng đậu, chàng trai 9X còn mon men đến từng hộ dân để gom từng bao phân về bón đất.

Giai đoạn đầu xây dựng, vấn đề khó khăn nhất là duy trì cho cây bén rễ. “Nhiều lần mình thức trắng đêm vì sợ cây chết. Mình trồng rất nhiều loại cây khác nhau để sàng lọc dần loại nào hợp với thổ nhưỡng nhất”, Đông chia sẻ.

Chỉ sau một năm, mảnh đất tưởng như chỉ có cây mía mới sống được thì nay bạt ngàn cây trái. “Giờ mình có nho, bưởi, xoài và một đàn cừu hơn 100 con. Sắp tới sẽ có thêm cá sấu, ngựa và nhiều thứ khác nữa”, Đông vui mừng.

Đông lấy tên trang trại của mình là The Moshav Farm để nhắc bản thân đã từng thức trắng đêm ở hàng chục trang trại bên Israel học hỏi kỹ thuật nuôi, trồng.

Trang trai sach cua thanh nien 9X anh 3

Bưởi da xanh được trồng trên đất cằn đã bắt đầu cho quả sau 3 năm. Ảnh: An Bình.

Chàng trai quê Đắk Lắk định hướng xây dựng trang trại sạch, du lịch bền vững kết hợp phát triển cộng đồng. Anh quyết tâm làm mô hình thật tốt để người dân quanh khu vực cùng “sống tốt” trên chính mảnh đất cằn cỗi của mình.

Đông chia sẻ trước khi bắt tay vào làm mô hình này ở Khánh Hòa, anh đã rong ruổi khắp đất nước cả tháng trời để tìm hiểu về khí hậu, thổ nhưỡng từng nơi.

Hiện, trang trại của Đông có 4 thành viên đều rất trẻ. Có người sinh năm 1997 nhưng họ có chung đam mê là làm trang trại sạch, bền vững và hướng đến cộng đồng.

Nông nghiệp sạch, hướng đến cộng đồng

Những chàng trai 9X ở The Moshav Farm đều có thời gian tu nghiệp tại Agrostudies - một trung tâm đào tạo quốc tế cung cấp chương trình giáo dục nông nghiệp tại Israel cho sinh viên thực tập từ các nước đang phát triển.

“Chúng tôi định hướng làm mô hình thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi để tính hiệu quả kinh tế và sau đó chuyển giao cho người dân. Khi người dân có sản phẩm theo đúng các tiêu chuẩn mình đưa ra, Moshav Farm sẽ mua lại nhằm giúp họ có thêm thu nhập từ chính mảnh đất của mình mà không phải đi đâu xa”, Đông mong muốn.

Hiện, sau 3 năm, sản phẩm lá xông của nông trại mỗi tháng bán ra thị trường hơn 20.000 túi. Nguyên liệu chính được làm từ gừng, sả, lá khuynh diệp… Tuy nhiên, theo Đông, đây chỉ là biện pháp tạm thời để duy trì trong giai đoạn khởi đầu.

“The Moshav Farm chỉ trồng, nuôi con ở quy mô nhỏ để người dân xem và bắt chước làm theo. Chúng tôi hướng dẫn thêm về kỹ thuật, giám sát về quy trình để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu và sau đó thu mua lại với giá cao hơn thị trường để về chế biến”, Đông nói.

Việc sản xuất, chế biến tại chỗ cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thanh niên trẻ thay vì phải lên thành phố tìm kiếm việc làm thì có thể làm việc gần nhà với mức lương tương đương, thậm chí còn cao hơn ở thành phố nếu năng lực tốt. Với chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều, họ có thêm tiền tích lũy.

Theo Đông, người nông dân rất thực tế, họ chỉ thay đổi tư duy, cách làm khi đã nhìn thấy hiệu quả.

Để thuyết phục bà con, chàng trai trẻ đã tiên phong thay đổi cây, con trên vùng đất cằn. Theo anh, muốn người dân làm thì mình phải đi trước, làm được và cho họ thấy sự hiệu quả.

“Giờ mình có thể tự tin về mô hình của nhóm. Hồi tháng 6 dịch bệnh ập đến, giãn cách xã hội gần 4 tháng, nhưng 30 con người của nông trại vẫn sống khỏe. Tụi mình tự cung, tự cấp hoàn toàn nên không cần lo lắng”, Tạ Đông kể.

Nhiều người dân thấy Đông trồng bưởi, xoài, nho và nuôi cả cừu trên đất cằn nên đến xin học kinh nghiệm. Chàng trai trẻ vui vẻ chỉ dạy từng công đoạn và cách thức trồng cây đúng kỹ thuật mà mình đã học được ở nước ngoài.

Bận rộn không ngơi tay cả ngày, buổi tối, anh dùng thời gian rảnh để lên kế hoạch sau vài năm nữa sẽ đón khách du lịch. Với Đông, ở vùng đất Ninh Thượng, tuy thu nhập không cao bằng các thành phố lớn như TP.HCM hay TP Nha Trang, nhưng đổi lại anh có niềm vui và sống đúng với ước mơ của mình là giúp đỡ cộng đồng.

Ước mơ đưa nông sản Việt ra thế giới

Đến giờ, chàng trai 31 tuổi vẫn còn nhớ mãi câu nói của mẹ ngày quyết định bỏ về quê làm nông: “Bố mẹ khổ cực trồng từng bụi chuối, chăm chút từng gốc cà phê chỉ mong con học hành rồi đi ra xã hội. Nay con đi du học về lại chọn làm nông”.

"Lúc đó chỉ biết động viên là ba mẹ đừng buồn, vì biết giải thích ông bà sẽ không thông cảm", Đông nói.

Theo Đông, The Moshav Farm được định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp kết hợp với du lịch và là một doanh nghiệp xã hội. Vì vậy ngay từ đầu, chàng trai 31 tuổi cùng nhóm bạn đã quy hoạch rõ từng khu như cây ăn trái, dược liệu, khu chăn nuôi, khu dịch vụ…

Nguyễn Tạ Đông quan niệm tuy làm nông nhưng sẽ không theo kiểu truyền thống. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhóm thanh niên đã tập trung vào truyền thông thông qua việc kể câu chuyện của mình về những công việc hàng ngày, về quy trình chăm sóc, về những đóng góp cho xã hội… để mọi người cùng hiểu.

“Khi chúng tôi ra mắt các sản phẩm từ những gói lá xông dược liệu, chai dầu khuynh diệp (dầu bạc hà), nước rửa chén thiên nhiên, bột gừng sấy lạnh, trà đậu biếc hay đến các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên như mặt nạ bằng bùn khoáng… đều được mọi người quan tâm đón nhận”, Đông vui mừng kể.

Hiện, The Moshav Farm đã có hơn 200 đại lý phân phối sản phẩm trên các tỉnh thành từ TP.HCM đến Hà Nội.

Theo Đông, trước mắt họ củng cố vững chắc thị trường trong nước, sau đó sẽ tính tới hướng xuất khẩu khi có đủ nguồn lực, sản lượng ổn định để đáp ứng các đơn hàng lớn.

“Tạm thời các sản phẩm của nhóm đã được bán ra các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… thông qua các kênh thương mại điện tử. Nông trại cũng có đại lý phân phối ở Nhật Bản, đây là những bước đệm để chúng mình chuẩn bị cho kế hoạch đưa nông sản Việt ra thế giới trong thời gian tới”, Đông chia sẻ.

Những du khách đầu tiên chi hơn 100 triệu đồng ở resort Côn Đảo

Six Senses Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chuẩn bị đón những du khách đầu tiên sau thời gian dài chờ đường bay hoạt động trở lại.

Chủ khách sạn ở Nha Trang chưa vội mở cửa đón khách

Từ 1/10, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép các cơ sở du lịch dịch vụ đón khách nội tỉnh. Trước thông tin này, nhiều chủ khách sạn ở Nha Trang nói họ chưa sẵn sàng cho việc mở cửa.

Chàng trai lên rừng xây nhà, phát triển du lịch bền vững

Rời TP.HCM, Nguyễn Văn Nhã đến Ma Bó (Lâm Đồng) tổ chức các tour trekking, đạp xe xuyên rừng. Anh cũng dành thời gian xây dựng thư viện, lớp học, rạp phim cho trẻ em trong làng.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp