Phải cẩn trọng khi dời Ga Nha Trang, làm dự án thương mại

Thứ năm - 14/10/2021 20:43
Chuyên gia cho rằng nếu chọn cách di dời nhà ga để đổi lấy “đất vàng” phục vụ dự án thương mại sẽ là một sai lầm, dẫn đến thiệt hại về kinh tế.
Phải cẩn trọng khi dời Ga Nha Trang, làm dự án thương mại
Di doi ga Nha Trang anh 1

40 năm nay, đều đặn mỗi sáng ông Mai Văn Liêm (79 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP Nha Trang) đi qua Ga Nha Trang ít nhất 2 lần khi tập thể dục buổi sáng. Ông cho biết rất bùi ngùi khi nghe thông tin chính quyền sẽ dời Ga Nha Trang ra ngoại thành.

"Ga Nha Trang là nơi gắn liền với sự phát triển của thành phố cùng hàng triệu người trong và ngoài nước từng đi tàu qua phố biển. Giờ chính quyền cho di dời ga để dành đất xây chung cư, nhà cao tầng, tôi nghĩ chúng ta sẽ mất đi nhiều thứ, nhất là giá trị văn hóa, lịch sử của nó", ông Liêm tiếc nuối.

Nha Trang đang thiếu không gian cộng đồng

KTS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết đất khu Ga Nha Trang không chỉ có vị trí đẹp mà còn mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử. Ga Nha Trang là chứng tích quân dân Khánh Hòa đứng lên chống thực dân Pháp.

Vị KTS ủng hộ chủ trương quy hoạch để phát huy tối đa công năng cũng như giá trị của Ga Nha Trang. Tuy nhiên, theo ông việc dời ga rồi sau đó làm gì, làm như thế nào cần thận trọng, tính toán kỹ lưỡng.

“Khánh Hòa xin Thủ tướng cho gia hạn thời gian lập đồ án quy hoạch điều chỉnh chung TP Nha Trang thêm 3 tháng. Điều đó cho thấy lãnh đạo tỉnh muốn làm một cách thận trọng, kỹ lưỡng hơn", ông Lộc cho biết.

Di doi ga Nha Trang anh 2

Ga Nha Trang là chứng tích lịch sử và nằm ở trung tâm thành phố. Ảnh: Hải Đình.

"Ai cũng thấy Nha Trang hiện rất thiếu các công trình công cộng, công viên cây xanh dành cho cộng đồng”, KTS Lộc nói.

Bỏ tư duy ‘đất vàng’ khi chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt thì giá trị của Ga Nha Trang sẽ tăng nhiều lần.

KTS Nguyễn Văn Lộc

Theo ông, nếu di dời Ga Nha Trang thì quỹ đất còn lại rất nhiều. “Nếu quy hoạch đất này làm công viên thì sẽ là một điểm nhấn của phố biển sau dải công viên bờ biển Trần Phú. Đồng thời, nó cũng phù hợp với tiêu chí thành phố xanh, sạch đẹp, khi đó khu Ga Nha Trang sẽ là điểm nhấn để thu hút khách du lịch”, KTS Lộc nêu quan điểm.

“Nếu quy hoạch có tầm nhìn, bỏ tư duy ‘đất vàng’ khi chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt thì giá trị của khu Ga Nha Trang sẽ tăng nhiều lần, hưởng lợi mãi mãi", KTS Lộc nhìn nhận.

Trong khi đó, từng chia sẻ với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đứng ở góc độ khoa học quản lý đô thị, chúng ta hoàn toàn không nên cổ xúy cho việc đô thị hóa đến đâu, dời ga đến đó. Đây là xu hướng rất có hại cho đô thị, trong khi bỏ qua tiềm năng phát triển giao thông công cộng.

"Chỉ nên di dời ga hàng hóa"

Đối với Ga Nha Trang, ông Sơn cho rằng nếu chọn cách di dời nhà ga hiện tại để đổi lấy “đất vàng” phục vụ dự án thương mại sẽ là một sai lầm chiến lược.

“Chỉ nên di dời ga hàng hóa ra ngoại thành, vì càng phát triển, nhu cầu hàng hóa lưu thông rất lớn. Còn ga hành khách phải giữ lại vì đó là xu hướng”, KTS Sơn cho biết.

Ông Sơn dẫn chứng trong quá trình phát triển ở các đô thị lớn trên thế giới như New York (Mỹ), Paris (Pháp) hay Montreal (Canada), ga xe lửa đều được giữ lại ở khu trung tâm, và được chỉnh trang để kết nối tốt với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố.

Nhờ đó, người dân có thể đi mọi nơi trong thành phố, và đi đến các thành phố khác một cách tiện lợi mà không cần phương tiện giao thông cá nhân. Việc phá các tuyến đường sắt cũ để làm dự án địa ốc là một sai lầm chiến lược, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn, trong khi chỉ làm lợi cho nhà đầu tư.

Chỉ nên di dời ga hàng hóa ra ngoại thành, vì càng phát triển, nhu cầu hàng hóa lưu thông rất lớn.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ra 2 giải pháp: Thứ nhất, giữ lại ga đường sắt như một ga hành khách nhỏ ở khu trung tâm, dời ga chính (hành khách và hàng hóa) ra ngoài, và chỉnh trang mạng lưới giao thông, đặc biệt là những chỗ giao cắt khác cốt giữa đường sắt với tuyến đường nội thành. Như vậy, từ ga chính chỉ có một số toa hành khách tách ra để chạy vào khu trung tâm.

Thứ hai, nếu muốn dời toàn bộ ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, nhà ga và hệ thống đường ray hiện tại vẫn nên được giữ lại để chuyển đổi sang loại hình giao thông công cộng khác, như tuyến metro hoặc đường sắt nhẹ. Các chuyến tàu chạy trên đường sắt nhẹ có thể chạy nối đuôi nhau với tần suất 5 phút/chuyến, và cũng có thể xen kẽ với xe buýt để tăng hiệu suất sử dụng.

Khi nhà ga xe lửa chính ở ngoại thành, tuyến nhánh đường sắt nhẹ đi vào trung tâm sẽ thành tuyến giao thông công cộng, không những nối nội thành với ga đường sắt, mà còn phục vụ cho giao thông công cộng nội thành, tích hợp các tuyến xe buýt khu vực. Người dân sẽ có một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả và kinh tế.

Hai phương án dời ga

Trước đó, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 đã đồng ý chủ trương di dời Ga Nha Trang ra ngoại thành.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện một doanh nghiệp ở Hà Nội đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chủ trương, cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời Ga Nha Trang. Đổi lại, doanh nghiệp này sẽ được đối ứng bằng quỹ đất của Ga Nha Trang hiện nay.

Trong 2 phương án mà doanh nghiệp đề xuất đều có điểm chung là được sử dụng một phần quỹ đất khu Ga Nha Trang để xây chung cư, trung tâm thương mại cao tầng.

Trong đó, phương án 1 sẽ cải tạo Ga Nha Trang thành ga khách, bỏ công năng hàng hóa, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường bóng đèn. Ga hàng hóa sẽ được di dời ra ngoại thành, xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội (giao nhau với đường 23 Tháng 10) để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố.

Còn phương án 2, di dời toàn bộ Ga Nha Trang ra ngoại thành, cải tạo nhà ga hiện hữu thành bảo tàng du lịch. Ga mới sẽ nằm ở địa bàn xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang) gồm ga kỹ thuật hỗn hợp hành khách, hàng hóa và khu sửa chữa đầu máy, toa xe.

Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2/9/1936, tọa lạc tại phường Phước Tân, TP Nha Trang. Nơi đây là chứng tích việc người dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh, nổ súng chống thực dân Pháp vào ngày 23/10/1945.

Ga Nha Trang được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nhà ga 85 năm ở Nha Trang trước khi di dời ra ngoại thành

Tỉnh Khánh Hòa đồng ý di dời ga Nha Trang ra ngoại thành để thực hiện việc quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn, sử dụng ga hợp lý, phát huy hiệu quả.

Vì sao Khánh Hòa muốn dời ga Nha Trang ra ngoại thành?

Trong hai phương án di dời ga Nha Trang, doanh nghiệp đều đề xuất dành một quỹ đất để xây chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, nhà liền kề.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp