Nóng thị trường năng lượng thế giới

Thứ tư - 13/10/2021 13:10
Giá dầu thế giới đã chạm mốc cao kỷ lục mới. Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do thiếu nguồn cung. Các nước châu Âu đang tìm cách tiếp cận chung nhằm đối phó giá năng lượng leo thang khi mùa đông tới gần có nguy cơ "làm nóng" thêm thị trường năng lượng bởi nhu cầu sưởi ấm tăng vọt. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nóng thị trường năng lượng thế giới
Giá dầu thế giới đã chạm mốc cao kỷ lục mới. Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do thiếu nguồn cung. Các nước châu Âu đang tìm cách tiếp cận chung nhằm đối phó giá năng lượng leo thang khi mùa đông tới gần có nguy cơ “làm nóng” thêm thị trường năng lượng bởi nhu cầu sưởi ấm tăng vọt.
 
Thị trường năng lượng thế giới rơi vào căng thẳng khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh do thiếu nguồn cung ở nhiều khu vực, nhất là tại châu Âu và châu Á. Giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London (Anh) có lúc tăng lên 84,38 USD/thùng, mức cao nhất trong ba năm qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York nhảy vọt lên mức cao nhất trong bảy năm là 81,72 USD/thùng.
 
Nguồn cung dầu mỏ toàn cầu thắt chặt hơn sau quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) về duy trì tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Tại châu Âu, giá điện ở các nước Liên hiệp châu Âu (EU) tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt thiên nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực.
 
 
 
 
Tại châu Á, giá than đá tăng 110% trong năm nay khi nhu cầu sử dụng của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế nhập khẩu than lớn nhất thế giới, đang tăng vọt.
 
Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu, châu lục đang đối mặt nguy cơ thiếu nhiên liệu sưởi ấm cho mùa đông khi lượng khí đốt dự trữ đã xuống mức báo động 30% từ tháng 3 vừa qua. Cuộc khủng hoảng khí đốt khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao. Tại Đông Á, giá khí đốt thiên nhiên cũng tăng 85% kể từ đầu tháng 9, chạm mức 204 USD/thùng. Giá này vẫn thấp hơn nhiều ở Mỹ - quốc gia xuất khẩu ròng khí đốt thiên nhiên, nhưng vẫn tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm. Giá khí đốt thiên nhiên ở Mỹ đã tăng 47% từ đầu tháng 8.
 
Trong lúc thị trường năng lượng đang nóng bỏng bởi “cơn khát nguồn cung”, việc bảo đảm an ninh năng lượng được nhận định sẽ là mối quan tâm lớn trong những tháng tới. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến công bố một loạt biện pháp tạm thời, trong đó có việc xem xét khuyến khích các quốc gia giảm thuế năng lượng và phân phối lại lợi nhuận từ việc giá tăng cho những người nghèo. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng là “tiếng chuông cảnh báo” thế giới đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhiên liệu hóa thạch và một quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh đầy thách thức ở phía trước.
 
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp