Khoảng trống trong âm nhạc xứ Trầm

Thứ sáu - 22/10/2021 13:28
Nếu xem những người dưới 40 tuổi là nhạc sĩ trẻ thì hiện nay, đội ngũ này ở Khánh Hòa thật sự ít ỏi và chưa ghi được dấu ấn qua những tác phẩm nổi bật. Để cải thiện tình hình thiếu hụt đội ngũ sáng tác trẻ khi lớp nhạc sĩ giỏi đã lớn tuổi không phải là việc dễ làm ngay được.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Khoảng trống trong âm nhạc xứ Trầm
Nếu xem những người dưới 40 tuổi là nhạc sĩ trẻ thì hiện nay, đội ngũ này ở Khánh Hòa thật sự ít ỏi và chưa ghi được dấu ấn qua những tác phẩm nổi bật. Để cải thiện tình hình thiếu hụt đội ngũ sáng tác trẻ khi lớp nhạc sĩ giỏi đã lớn tuổi không phải là việc dễ làm ngay được.
 
Một thời sôi nổi
 
Nhìn lại dòng chảy sáng tác âm nhạc Khánh Hòa từ năm 1975 đến nay, mỗi chúng ta đều cảm thấy tự hào với tài năng, sức sáng tạo của lớp nhạc sĩ đi trước. Sau ngày Nha Trang giải phóng, nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy lúc đó 35 tuổi đã viết nên ca khúc Mừng Nha Trang giải phóng được xem là một trong những tác phẩm đặt nền móng cho âm nhạc thời kỳ mới của Khánh Hòa. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của nhiều tên tuổi nhạc sĩ khác cũng trong độ tuổi trẻ với niềm khát khao được cống hiến, được viết về quê hương. Ở độ tuổi dưới 40, những nhạc sĩ này đã có các ca khúc để đời. Đó là nhạc sĩ Tố Hải với ca khúc Đắk krông mùa xuân về được ông bắt đầu viết lúc 31 tuổi và 10 năm sau hoàn thành; năm 1977, vừa tròn 40 tuổi, ông còn có ca khúc Tiếng hát mùa xuân trên thành phố biển. Cố nhạc sĩ Bằng Linh cũng hoàn thành ca khúc Đàn ơi hát cùng ta vào năm ông 36 tuổi. Ca khúc nổi tiếng Gần lắm Trường Sa được nhạc sĩ Hình Phước Long viết xong và công bố lúc ông mới 32 tuổi; đến năm 34 tuổi, ông đã đạt giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi mang tên Giải thưởng lớn do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn. Cố nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng giới thiệu đến khán giả ca khúc Nguyện làm con sóng khi ông vừa tròn 40 tuổi. Còn nhạc sĩ Hình Phước Liên lúc mới 27 tuổi đã ghi dấu ấn âm nhạc của mình với 2 ca khúc Ơi con sông Dinh và Cô giáo em là hoa Êban. 

 

Một tiết mục hát múa mang màu sắc âm nhạc dân gian  do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng dàn dựng. (Ảnh minh họa)
Một tiết mục hát múa mang màu sắc âm nhạc dân gian do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng dàn dựng. (Ảnh minh họa)
 
Đến giai đoạn 1990 - 2000, được xem là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Chi hội Âm nhạc Khánh Hòa khi các nhạc sĩ thời sau giải phóng đã trưởng thành, còn thế hệ nhạc sĩ kế cận như: Kiên Thanh, Cao Minh Thọ, Nguyễn Văn Hảo, Lê Văn Cầu… cũng dần thể hiện được sức sáng tạo và mang đến nhiều triển vọng. Số lượng các giải thưởng âm nhạc quốc gia thuộc về các nhạc sĩ ở Khánh Hòa ngày càng nhiều lên. Tuy nhiên, khi những lớp nhạc sĩ trên ngày càng lớn tuổi, âm nhạc xứ Trầm lại rơi vào khoảng trống thế hệ khi số lượng nhạc sĩ dưới 40 tuổi ngày càng ít. Tên tuổi, thành tích của âm nhạc Khánh Hòa trong khoảng hơn 10 năm nay vẫn quẩn quanh những gương mặt nhạc sĩ đã quá quen thuộc với công chúng.
 
Thiếu hụt đội ngũ tác giả trẻ kế thừa
 
Hiện nay, tổng số hội viên Chi hội Âm nhạc (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) có 65 người. Trong đó, chiếm số lượng lớn là những hội viên hoạt động trong lĩnh vực biên đạo múa, nhạc công, ca sĩ, phê bình âm nhạc… nên số lượng hội viên là nhạc sĩ sáng tác cũng không nhiều và số lượng nhạc sĩ trẻ lại càng ít. Theo nhạc sĩ Kiên Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, hiện nay, có một số gương mặt được xem là nhạc sĩ trẻ như: Lê Văn Hà, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trường Lâm… còn đa số đều là những nhạc sĩ đã trên 40 tuổi. Tuy nhiên, những tác giả trẻ này cũng chưa thật nổi bật, xuất sắc. 
 
Thực tế lâu nay, sân chơi cho các nhạc sĩ trẻ gần như không có nên tác phẩm các nhạc sĩ trẻ viết xong cũng không có đầu ra. Hình thức công bố tác phẩm chủ yếu là gửi bài tham gia các cuộc thi, nhưng ở đó họ phải thi cùng với các nhạc sĩ gạo cội, có tên tuổi nên rất khó đạt được giải cao. Đó là chưa kể đến việc số lượng các cuộc thi tác phẩm âm nhạc ngày càng ít đi. Còn việc gửi tác phẩm đến đoàn nghệ thuật hoặc đài truyền hình để dàn dựng cũng hạn chế, bởi các đơn vị này vì nhiều lý do nên ít dàn dựng các sáng tác mới. Ngoài những yếu tố khách quan đó, bản thân các nhạc sĩ trẻ cũng chưa có sự đột phá trong tư duy sáng tác, phong cách âm nhạc và nắm bắt xu hướng âm nhạc thời đại nên cũng chưa giới thiệu được đến công chúng những tác phẩm thật sự ấn tượng trên môi trường mạng xã hội đang rất phát triển hiện nay. Điều này có thể đến từ tính chuyên nghiệp của các nhạc sĩ trẻ ở Khánh Hòa gần như không có. Họ đều coi việc viết nhạc là nghề tay trái, thể hiện sở thích của cá nhân. “Số lượng nhạc sĩ trẻ hiện không nhiều, các thành viên trong Chi hội Âm nhạc cũng cố gắng tìm kiếm để kết nạp những hội viên trẻ, nhưng rất khó. Hiện nay, việc sáng tác chưa được những người trẻ coi là nghề nên thiếu đi sức bền để theo đuổi. Vậy nên họ chưa thể trở thành những tác giả đúng nghĩa viết và sống với nghề”, nhạc sĩ Hình Phước Liên chia sẻ. 
 
Thực tế, ở Khánh Hòa vẫn có một số người trẻ có những ca khúc được thị trường âm nhạc hiện nay đón nhận, được các ca sĩ nổi tiếng với giới trẻ mua bản quyền âm nhạc. Tuy nhiên, khi hỏi đến việc làm hồ sơ tham gia vào Chi hội Âm nhạc thì họ đều đưa ra những lý do riêng để từ chối. Vẫn biết, sự phát triển lĩnh vực âm nhạc Khánh Hòa trong tương lai chưa hẳn phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít của nhạc sĩ trẻ. Nhưng nếu chúng ta có được một đội ngũ nhạc sĩ trẻ dồi dào thì nền tảng cho sự phát triển đó vẫn vững chắc hơn.
 
GIANG ĐÌNH
 
 
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp