Thành Diên Khánh qua mộc bản triều Nguyễn

Thứ ba - 19/10/2021 13:24
Di tích cấp quốc gia thành cổ Diên Khánh từ lâu đã quen thuộc với người dân Khánh Hòa và cả nước. Giá trị của công trình đã được ghi dấu trong nhiều tài liệu sử sách. Trong kho mộc bản triều Nguyễn còn lưu những bản khắc nói về quá trình hình thành, xây dựng tòa thành này. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Thành Diên Khánh qua mộc bản triều Nguyễn

Di tích cấp quốc gia thành cổ Diên Khánh từ lâu đã quen thuộc với người dân Khánh Hòa và cả nước. Giá trị của công trình đã được ghi dấu trong nhiều tài liệu sử sách. Trong kho mộc bản triều Nguyễn còn lưu những bản khắc nói về quá trình hình thành, xây dựng tòa thành này.


Ghi dấu qua các mộc bản


Nằm cách TP. Nha Trang hơn 10km, thành cổ Diên Khánh từng là nơi tập trung cơ quan hành chính địa phương dưới các đời vua triều Nguyễn. Qua di sản mộc bản triều Nguyễn, thêm một lần chúng ta biết về nguồn gốc, quá trình xây dựng, cũng như quy cách, thiết kế của thành. Theo bà Cao Thị Quang - công tác tại Phòng Tài liệu mộc bản (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, TP. Đà Lạt), dấu ấn về thành cổ Diên Khánh được thể hiện khá rõ nét qua các bản khắc gỗ của những bộ sách như: Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, Đại Nam nhất thống chí… của triều đình nhà Nguyễn. Từ đây, chúng ta có thể hiểu rõ nguyên nhân việc chúa Nguyễn Ánh cho xây đắp thành Diên Khánh cũng như sự coi trọng của ông đối với công trình này.

 

Thành cổ Diên Khánh ngày nay. (Ảnh chụp năm 2020)

Thành cổ Diên Khánh ngày nay. (Ảnh chụp năm 2020)


Vào năm Quý Sửu (1793), sau khi đánh bại quân Tây Sơn và chiếm được phủ Diên Khánh, chúa Nguyễn Ánh đã tìm hiểu kỹ về địa thế của vùng đất này và cho xây dựng thành Diên Khánh như một pháo đài phòng ngự kiên cố. Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 7 ghi chép như sau: “Xét thành phủ Diên Khánh, trước là thủ sở Nha Trang. Giữa năm Quý Sửu (1793), quân nhà vua tiến đánh quân Tây Sơn ở Quy Nhơn. Lúc trở về, xa giá dừng ở Diên Khánh, xem xét thế đất, sau nhân bảo đắp thành bằng đất. Thành mở 6 cửa, mỗi cửa đều có nhà lầu, đào hào. Ngoài thành đào hào, ngoài hào có trại, các cửa đều có cầu treo để qua hào, trước sau đều có núi sông bao bọc, thật là nơi thiên hiểm. Về sau, bỏ bớt 2 cửa. Phía bắc thành dựa lưng vào sông Cái, thường bị nước lũ xói vào, nên năm Minh Mạng thứ 4 đắp đê chắn ngang sông, lại đào cừ để thông đường nước”.

 

Mặt khắc số 7 mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11.  (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Mặt khắc số 7 mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)


Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 6, mặt khắc 29-30 cũng nói về việc này: “Sai Võ Tánh quản năm vệ Ban trực tả, hữu. Tuyển phong tả, hữu và long võ, cùng bệnh binh các vệ và các tướng tốt mới đầu hàng, đi chiến thuyền về trước Gia Định. Nguyễn Văn Trương đem thủy quân đậu ở cửa biển Cù Huân để đợi ngự giá. Ngự giá về Diên Khánh. Thấy bảo cũ Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai các quân và phát 3.000 dân Bình Thuận, 1.000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn một tháng thì thành xong, gọi là thành Diên Khánh…”.


Thêm thông tin phục vụ du lịch


Thành cổ Diên Khánh được xây trên khu đất trống, có hình dáng nhô cao như lưng con rùa là linh vật tượng trưng cho sự trường tồn, vững chãi. Phía ngoài là hệ thống hào sâu. Phía trong có hai bậc thang dùng làm đường lên xuống. Các góc thành được đắp nhô ra ngoài để dễ dàng quan sát hai bên. Bên trong mỗi góc được đắp thành một khoảng đất rộng dùng làm chỗ trú quân. Mỗi góc thành đều đắp một ụ đất cao khoảng 2m để đặt súng đại bác, gọi là pháo đài góc. Đây là đặc điểm nổi bật của kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban - một hình mẫu kiến trúc khá phổ biến ở phương Tây vào thế kỷ XVIII. Việc cho xây dựng thành Diên Khánh thể hiện mối quan tâm đặc biệt của vua Gia Long đối với vùng đất này. Để công trình được xây dựng theo như ý muốn, nhà vua đã cho Hoàng tử Cảnh trực tiếp trông coi.


Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, việc có thêm những thông tin từ nguồn tài liệu mộc bản triều Nguyễn càng thể hiện rõ giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Đây là nguồn thông tin quý giá trong việc giới thiệu, quảng bá về di tích cấp quốc gia này. Trong suốt thời gian 228 năm tồn tại, thành cổ Diên Khánh đã đóng vai trò quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa của vùng đất Khánh Hòa. Hiện nay, tỉnh cũng đã có kế hoạch phát huy giá trị của thành cổ Diên Khánh.


Giang Đình

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp