Trong các cuộc hành trình đi đó đi đây, tôi thường gặp những cánh đồng lúa chín vào mùa gặt. Chắc hẳn, bạn cũng đã từng đi qua những mùa gặt, đó là những hình ảnh rất đẹp. Những chiếc xe cắt lúa chạy qua những ruộng lúa rất gọn gàng, những cây lúa chín trĩu hạt cuốn vào trong xe và phút chốc bên kia đã ra những hạt lúa. Khi ấy, rơm đã được tự động xếp thẳng hàng, nông dân cuộn rơm lại thành từng bánh, sau đó đem đi bán cho những nơi làm nấm rơm. Vài cánh đồng khác, lúa cũng được cắt bằng máy, sau đó có những xe tuốt lúa dựng hẳn bên cánh đồng, lúa cứ bỏ vào cho máy tuốt. Bây giờ, nông dân đã nhẹ nhàng trong công việc hơn xưa nhờ vào máy móc, lúa được thu hoạch rất nhanh chóng.
Ký ức của tôi lại nhớ về những ngày theo bà đi mót lúa. Mót lúa dường như là công việc của những người không có ruộng, tới mùa gặt cũng mang liềm, mang bao đựng lúa đi ra các cánh đồng. Hồi xưa, để thu hoạch những cánh đồng lúa chín, người dân phải cắt lúa bằng lưỡi liềm. Người cắt lúa phải liên tục khom người vừa tầm cây lúa, một tay gom lúa đủ để cắt, lưỡi liềm cắt qua nhẹ nhàng, rồi gom lúa theo đường đi.
Ngày đó, đường Lê Hồng Phong (Nha Trang) là con đường liên tỉnh lộ 4. Con đường rải sỏi, rất nhỏ, chỉ đủ cho chiếc xe ô tô chạy, phía bên khu Đồng Muối chỉ là ruộng lúa và các loại cây trồng khác, còn phía bên ngược lại là khu quân sự, những bãi đất hoang mọc các loại cây me dương, bồn bồn, mắc cỡ, chim chim… và là nơi trú ẩn của loài dông cát. Thường thì bà tôi đi bộ từ nhà ở đường Phước Hải nối dài (nay là đường Trần Nhật Duật) để đi làm. Nghĩa là vào mùa lúa chín, bà đi theo sau những người gặt lúa để mót lúa.
Khi gặt lúa, dù cắt như thế nào thì vẫn bỏ sót lại những cây lúa lẻ loi, những người mót lúa mang liềm của mình gặt những cây lúa còn sót. Cả mùa gặt, bà đi từ sớm, có khi đồ ăn sáng là cơm với muối mè.
Hồi đó, đến trưa, tôi thường đạp xe đến chỗ bà làm. Trong các cánh đồng thường có những ngôi nhà tranh che tạm, có những ụ rơm, buổi trưa ngả lưng ngay bụi rơm hoặc dưới gốc cây nào đó để nghỉ ngơi. Buổi trưa đến chỗ bà, tôi lại ra mấy cánh đồng trồng khoai lang đã thu hoạch đi mót khoai lang. Thường thì các thửa ruộng khoai lang sau khi thu hoạch vẫn còn sót một số củ khoai ẩn trong đất, chỉ sau một tuần, nhờ ẩm ướt, các củ khoai còn sót bắt đầu nhú mầm, thế là chọn những mầm nhú đào lên đôi khi cũng gặp một củ khoai to. Những củ khoai mót được, tôi thường đem lùi trong bếp than của căn nhà che tạm. Khoai lùi chỉ cần lột lớp bên ngoài, ăn bên trong khi còn nóng hổi, ngon vô cùng.
Lại nói chuyện mót lúa, cả mùa lúa bà mót cũng được chục ký. Lúa mót tuốt bằng tay, đem ra hiên nhà phơi cho khô rồi ra nơi xay xát để xay ra gạo. Gạo từ những nhánh lúa rơi ấy nấu lên có khi ăn cùng nồi cá kho keo giăng lưới bắt được ở những con mương đưa nước vào ruộng, rất ngon.
Bây giờ, chẳng còn ai mót lúa, công nghệ hiện đại không làm sót những cọng lúa. Nhưng nồi cơm từ những cọng lúa mót vẫn còn lưu lại trong ký ức của tôi.
Nhược Quân