Thêm góc nhìn về văn hóa dân gian biển đảo Khánh Hòa

Thứ sáu - 25/11/2022 12:23
"Văn hóa dân gian biển đảo Khánh Hòa - những góc nhìn" là tên công trình vừa được xuất bản của nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, năm 2022). Đây là một công trình giá trị không chỉ vì sách có độ dày trên 500 trang khổ 14,5 x 20,5cm hay được in đẹp, sang trọng, mà quan trọng là nội dung cuốn sách.     Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

“Văn hóa dân gian biển đảo Khánh Hòa - những góc nhìn” là tên công trình vừa được xuất bản của nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, năm 2022). Đây là một công trình giá trị không chỉ vì sách có độ dày trên 500 trang khổ 14,5 x 20,5cm hay được in đẹp, sang trọng, mà quan trọng là nội dung cuốn sách.


Từ những góc nhìn, nội dung cuốn sách đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan đến biển đảo Khánh Hòa với nguồn tư liệu khá phong phú và đa dạng. Cùng với việc giới thiệu khá đầy đủ về biển và đảo Khánh Hòa kèm theo bảng thống kê địa danh đảo, bán đảo, đầm, vũng, vịnh, mũi đất, bãi biển… ở phần 1, cuốn sách còn có 9 phần khác. Đó là: Văn hóa tiền sơ sử ven biển Khánh Hòa của cư dân cổ; Tục thờ cúng thần linh biển cả, lễ hội vùng biển và những kiêng kỵ của ngư dân ven biển Khánh Hòa; Những nghi lễ thờ cúng trong phong tục tập quán của ngư dân Khánh Hòa; Văn hóa ẩm thực miền biển Khánh Hòa; Ca dao, vè miền biển Khánh Hòa; Truyền thuyết dân gian miền biển Khánh Hòa; Nghề biển truyền thống ở Khánh Hòa; Chợ cá và các cảng cá ở Khánh Hòa; Du lịch một số biển đảo ở Khánh Hòa.


Cuốn sách có nhiều phần, nhưng điều đáng nói là ở mỗi phần, tác giả đã mang đến cho người đọc cả một kho tàng tư liệu quý hiếm trên nhiều khía cạnh. Trong cuốn sách có tầng tầng, lớp lớp những địa danh, khái niệm, cũng như những diễn biến theo thời gian từ quá khứ đến hiện tại của từng sự việc liên quan đến văn hóa biển, đảo Khánh Hòa. Nếu ở phần văn hóa tiền sơ sử ven biển Khánh Hòa của cư dân biển cổ xưa, tác giả nêu lên những nét riêng về trang phục và trang sức thông qua các hiện vật từ các di chỉ khảo cổ thì ở phần viết về nghi lễ, phong tục thờ cúng và các lễ hội vùng biển, khi đọc ta sẽ bắt gặp những nét văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn truyền thống. Nếu ở phần viết nghề biển từ xưa tới nay, tác giả giới thiệu hàng chục ngành nghề một cách sinh động, thì ở một phần khác, các chợ cá và cảng cá trong tỉnh cũng được đề cập khá đầy đủ, chi tiết. Nếu ở phần kể về các truyền thuyết, tác giả đề cập đến hàng chục truyền thuyết gắn liền với biển, đảo Khánh Hòa thì ở phần trước đó, người đọc sẽ bắt gặp gần cả trăm trang sách giới thiệu về tục ngữ, ca dao, những bài vè phản ánh nếp sống, sinh hoạt của người dân biển ở vùng đất này…


Đọc cuốn sách mới xuất bản của Ngô Văn Ban, người đọc có cảm giác như mình lần lượt được tiếp cận nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa. Không những nội dung phong phú, chuyên sâu mà tất cả các phần (nói đúng hơn là các chuyên đề) đều thể hiện rất khoa học. Nhiều nguồn tư liệu quý liên quan đến Khánh Hòa do các tác giả trong nước và nước ngoài xuất bản, trong đó có một số cuốn ra đời cách đây đã 200-300 năm cũng được ông tìm tòi, tra cứu, vận dụng để chứng minh làm sáng tỏ những vấn đề mình đặt ra. Bên cạnh việc in kèm nhiều hình ảnh để minh họa, cách thể hiện của cuốn sách cũng khá lý thú, có khi khảo tả, có khi tường thuật, có khi diễn đạt theo cách kể pha chút tản mạn mang giọng điệu của tùy bút… Điều này làm cho người đọc rất dễ tiếp nhận dù là sách nghiên cứu. Chẳng hạn như trong phần văn hóa ẩm thực miền biển, người đọc được giới thiệu vô số loài cá, tôm, cua, sò, ốc, hàu… cùng những đặc sản như yến sào, hải sâm, bào ngư, rong biển... Mỗi loài lại có nhiều loại khác nhau với những đặc điểm khác nhau về hình dáng, cách sống, cách khai thác và giá trị của nó. Cũng từ đây, qua cách viết của tác giả, bao nhiêu món ăn dân dã hay sang trọng liên quan với từng loài, từng loại được thể hiện thật hấp dẫn.


 “Văn hóa dân gian biển đảo Khánh Hòa - những góc nhìn” là cuốn sách thứ 16 của nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban (chưa kể sách đứng tên chung với một số tác giả trong tỉnh). Tác giả khởi soạn cuốn sách này từ năm 2015. Suốt 7 năm miệt mài với nhiều nguồn tư liệu sưu tầm, kết hợp với sự lăn lộn khảo sát thực tế để biên soạn, cuốn sách thực sự đã mang lại sự bổ ích và thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo ở vùng đất Khánh Hòa.


Vương Thụy Nhân



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp