Những người tô điểm phục trang

Thứ sáu - 02/12/2022 12:36
Bằng phương pháp thủ công, những đường nét, họa tiết được vẽ, đính kết đã tạo nên bức tranh sống động, hình khối lung linh, đẹp mắt trên các bộ áo dài hay trang phục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. Nhưng ở Nha Trang hiện nay, những người làm công việc vẽ tranh trên áo dài, đính kim sa lên phục trang biểu diễn không còn nhiều… Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Bằng phương pháp thủ công, những đường nét, họa tiết được vẽ, đính kết đã tạo nên bức tranh sống động, hình khối lung linh, đẹp mắt trên các bộ áo dài hay trang phục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. Nhưng ở Nha Trang hiện nay, những người làm công việc vẽ tranh trên áo dài, đính kim sa lên phục trang biểu diễn không còn nhiều…


Vẽ tranh trên áo dài


Trong căn nhà ở số 118/48 Trần Quý Cáp (TP. Nha Trang), hàng ngày, ông Tạ Ngọc Thọ cần mẫn vẽ tranh lên những tà áo dài truyền thống. Bén duyên từ hơn 30 năm trước, đến nay, ông Thọ là người duy nhất ở Nha Trang còn làm công việc này. Cái nghề tay trái của chàng sinh viên mỹ thuật năm nào, không ngờ lại gắn bó với ông lâu như thế. “Những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nha Trang, tôi đã vào TP. Hồ Chí Minh để học vẽ tranh lên áo dài. Thời đó, vải áo dài thường là vải trơn, chưa có in hoa văn, họa tiết nên những người muốn có sự độc đáo cho bộ trang phục của mình thường đưa áo dài đi vẽ hoa lá, phong cảnh. Trào lưu đó nổi lên sau khi cuộc thi Hoa hậu TP. Hồ Chí Minh năm 1989 cho phép các người đẹp dự thi mặc áo dài. Đặc biệt, với sự đăng quang của hoa hậu Lý Thu Thảo, cùng bộ áo dài có họa tiết đẹp mắt, đã tạo nên xu thế thời trang mới. Vì thế, công việc này rất thịnh hành và hút khách thời bấy giờ”, ông Thọ chia sẻ.

 

Ông Tạ Ngọc Thọ đang phác thảo một bức tranh trước khi vẽ lên áo dài cho khách.

Ông Tạ Ngọc Thọ đang phác thảo một bức tranh trước khi vẽ lên áo dài cho khách.


Sau khi học nghệ tinh thông và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh một thời gian, ông Thọ trở về phố biển Nha Trang mở xưởng vẽ áo dài. Ở thời kỳ hoàng kim, có những ngày xưởng của ông cung cấp hơn 60 bộ áo dài vẽ tranh cho các đầu mối ở chợ Đầm. Trong xưởng luôn có từ 3 đến 5 nhân công thực hiện các phần việc khác nhau. Những bức tranh được vẽ lên áo dài phần nhiều là theo mẫu có sẵn. Nhưng cũng có một số người muốn sự khác biệt nên đặt riêng ông Thọ sáng tác những mẫu mới.


Để có một bức vẽ trên áo dài đẹp mắt, bền màu phải tuân thủ quy trình khá kỹ lưỡng. Trước hết là đồ keo chờ cho khô, sau đó lót màu nền (thường là màu trắng), tiếp đó mới vẽ hoa văn, họa tiết, màu sắc bức tranh, cuối cùng là phủ keo để bảo vệ màu vẽ. Quy trình tưởng đơn giản, nhưng để có một bức vẽ chất lượng vừa đẹp, vừa bền đòi hỏi người thực hiện phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, cũng như cần một khoảng thời gian chờ đợi khá lâu mới hoàn thành được bức vẽ. Từ bàn tay của những người vẽ tranh, các bức họa về hoa sen, hoa hồng, hoa lan… cho đến rồng, phượng, chim muông… dần hiện lên trên bộ áo dài để mang đến vẻ đẹp mới lạ, độc đáo.


Việc vẽ tranh lên áo dài thịnh hành từ năm 1990 đến 2005. Khi đó, hầu hết các cửa hàng bán vải, các nhà may áo dài ở TP. Nha Trang đều nhận vẽ áo dài cho khách. Nhưng khách hàng vẫn biết nhiều đến xưởng vẽ của ông Thọ và một số người khác, như ông Nguyên ở đường Thống Nhất, bà Hương ở đường Bà Triệu… Tuy nhiên, sau này khi các loại vải may áo dài đã được nhà sản xuất in sẵn hoa văn, họa tiết theo kiểu sản xuất công nghiệp thì công việc vẽ áo dài thủ công cũng dần ít người làm. “Công việc này gắn bó lâu dài với tôi nên giờ bỏ cũng khó. Nhưng lượng đơn hàng bây giờ cũng không còn nhiều, chủ yếu là vẽ áo dài cho các đoàn thực hành tín ngưỡng là chính. Còn áo dài mặc đời thường, hoặc áo dài cho các nghệ sĩ biểu diễn chỉ thỉnh thoảng mới có. Một phần do áp lực của in ấn công nghiệp, một phần do khách hàng bây giờ chủ yếu đặt vẽ ở trong TP. Hồ Chí Minh là chính”, ông Thọ cho biết.


Ngắm nhìn những bộ áo dài được vẽ thủ công, nhiều người vẫn cảm nhận được độ tinh xảo, nét khác biệt so với họa tiết in công nghiệp. Qua đó, đã phần nào nâng tầm giá trị tinh thần của những bộ trang phục truyền thống dân tộc và điểm tô thêm vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, để chiều lòng khách hàng, ông Thọ thường vẽ theo những bức tranh theo yêu cầu của khách với mức giá dao động từ 400 đến 600 nghìn đồng/bộ.


Đính kim sa lên phục trang


Những bộ trang phục trình diễn trên sân khấu thường thu hút khán giả bởi sự lấp lánh, sang trọng nhờ được đính kim sa, kim tuyến. Công việc đính kim sa, kim tuyến lên trang phục tưởng như thật đơn giản, nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ, chỉn chu và có mắt nghệ thuật. Việc khâu, đính kim sa lên trang phục rất nhiều người có thể làm, nhất là những nghệ sĩ, diễn viên múa thì hầu như ai cũng biết. Nhưng để thường xuyên làm công việc này thì ở Nha Trang hiện nay không còn mấy người. Những người làm việc này cũng chỉ tranh thủ là chính.

 

Chị Nguyễn Hoàng Phương Tuyền đính kim sa lên một bộ trang phục.

Chị Nguyễn Hoàng Phương Tuyền đính kim sa lên một bộ trang phục.


Để tìm hiểu về công việc này, chúng tôi được giới thiệu gặp chị Nguyễn Hoàng Phương Tuyền (đường Nguyễn Thị Định nối dài, phường Phước Long, TP. Nha Trang). Tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa, chị Tuyền đem những bộ trang phục biểu diễn vừa nhận ra đính các hạt kim sa. Với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt, từng hạt kim sa hình trái tim, hình tròn, hình ô van… đủ màu sắc lần lượt được chị đính lên phần cổ, ngực áo, viền của các bộ trang phục. “Tôi làm công việc này từ năm 2009, khi còn là diễn viên múa của Vũ đoàn My Friend. Ngày đó, tôi học làm việc này để có thể tự sửa những bộ trang phục biểu diễn của cá nhân hoặc của đoàn. Nhờ có đôi tay khéo léo nên tôi được giới thiệu nhận đính kim sa cho các cơ sở cung cấp trang phục biểu diễn trên địa bàn Nha Trang. Hiện giờ, ở Nha Trang chỉ có nhóm của tôi còn làm công việc này”, chị Tuyền chia sẻ.


Việc đính kim sa lên trang phục đơn giản là luồn chỉ vào những hạt kim sa rồi may vào trang phục ở những vị trí đã được định sẵn. Hoa văn, họa tiết đính kim sa cũng rất đa dạng, từ hoa lá, phong cảnh, hình khối, linh vật… Những người làm lâu năm, quen việc chỉ cần nhìn qua hình vẽ đã có thể đính theo đúng yêu cầu. Còn những người chưa thuần thục thì thường phải dùng keo để định hình các hạt kim sa lên trang phục rồi sau đó mới dùng chỉ may vào. “Khó nhất và mất nhiều thời gian nhất là những bộ trang phục có yêu cầu đính kim sa theo kiểu mành trúc, hoặc đính lợp kim sa lên kín toàn bộ trang phục. Khi đó, người làm phải rất tập trung để luồn kim, đính hạt sao cho đẹp nhất. Những bộ trang phục dùng để biểu diễn trong nghệ thuật tuồng, múa Chăm là những bộ thường có yêu cầu cao. Không chỉ đính kim sa trên quần áo, có nhiều đơn hàng còn yêu cầu đính trên mũ, giày của các nhân vật vua, quan trong các vở diễn”, chị Tuyền chia sẻ thêm.


Theo ông Ái Quốc - Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, trước đây, công việc đính kim sa, vẽ kim tuyến khá phổ biến. Bởi hầu như cơ sở cho thuê trang phục biểu diễn, các đoàn nghệ thuật đều có người làm công việc này. Nhưng thời gian gần đây, các bộ trang phục cần đính kim sa đều được làm sẵn ở TP. Hồ Chí Minh. Giá thành của những bộ trang phục này rẻ hơn việc đính thủ công nên khách hàng chỉ việc mua về để sử dụng. Bây giờ chỉ có một số đơn vị nghệ thuật của tỉnh, do yêu cầu trang phục cần được thiết kế riêng cho từng tiết mục nên mới đặt đính kim sa, vẽ kim tuyến theo cách thủ công.


Sự phát triển của xã hội đã đem đến nhiều tiện ích cho người dùng, nhưng cũng vì thế mà có những công việc đang dần mai một. Với những người nặng lòng hoài niệm, vẫn cảm thấy nỗi trống vắng riêng. Bởi những sản phẩm được làm thủ công tỉ mỉ vẫn có hồn và nét độc đáo riêng, như những nét vẽ trên áo dài hay những hạt kim sa lấp lánh trên trang phục vẫn gợi lên trong ký ức của nhiều người về một thời hoàng kim.


Giang Đình



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp